Vàng da ở trẻ sơ sinh là vấn đề phổ biến và tình trạng này thường biến mất sau vài ngày. Tùy vào nguyên nhân vàng da, bác sĩ sẽ có cách điều trị khác nhau.
Bệnh vàng da sinh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh bị vàng da ở vùng da trên người và cả củng mạc (lòng trắng). Tuy nhiên, hiện tượng này thường biến mất sau 1 – 2 tuần sau sinh nhưng có trường hợp kéo dài hơn do các bệnh lý nguy hiểm về gan. Dù vậy, tốt hơn hết bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.
Nguyên nhân vàng da ở trẻ sơ sinh là gì?
Máu của con người chứa bilirubin. Da của trẻ sơ sinh trông có màu vàng là do nồng độ sắc tố bilirubin trong máu cao. Bilirubin là một trong những sản phẩm phụ được tạo ra khi các tế bào hồng cầu vỡ ra. Thông thường, gan sẽ loại bỏ bilirubin khỏi máu, sau đó sẽ thải nó ra ngoài thông qua việc đi vệ sinh (phân của chúng ta có màu vàng là do vi khuẩn oxy hóa bilirubin).
Trong thời kỳ mang thai, gan của mẹ sẽ loại bỏ bilirubin cho thai nhi. Sau khi sinh, phải mất một thời gian gan của bé mới bắt đầu làm việc. Kết quả là loại sắc tố này sẽ tích tụ trong máu của bé và gây vàng da.
Tình trạng này được gọi là vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh, thường xuất hiện vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 sau khi sinh và tự biến mất trong vòng 2 tuần. Ở những bé sinh non tháng, nó có thể xuất hiện ở ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 và có thể phải mất đến 2 tháng mới mất đi.
Màu vàng đầu tiên sẽ xuất hiện trên mặt em bé, sau đó di chuyển xuống cổ và ngực. Trong trường hợp nặng, nó sẽ tiếp tục lan xuống cho đến ngón chân, ngón tay.
Vàng da ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Trong phần lớn các trường hợp, vàng da ở trẻ sơ sinh không phải là tình trạng mà bố mẹ cần phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu nồng độ bilirubin của con quá cao, bệnh vàng da có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho hệ thần kinh bé. Hội chứng này gọi là kernicterus, có thể làm cho bé điếc, chậm phát triển hoặc bại liệt. Tuy nhiên, phần trăm trẻ sơ sinh mắc phải hội chứng kernicterus là không cao.
Nguy cơ gây vàng da ở trẻ sơ sinh là gì?
Trẻ sơ sinh có nhiều khả năng bị vàng da hơn nếu:
- Có anh chị em ruột bị vàng da
- Có vết thâm tím khi sinh (các tế bào hồng cầu, một phần của vết thâm tím bị phá vỡ và sản sinh ra bilirubin như một sản phẩm phụ)
- Sinh non (gan bé không thể chuyển hóa tốt được bilirubin)
- Có nguồn gốc là người Đông Á
- Có tình trạng rối loạn di truyền nhất định (hội chứng Gilbert, các khuyết tật của màng tế bào hồng cầu bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền galactose huyết)
- Có bệnh như xơ nang hay bị nhược giáp.
Khi nào bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ khám?
Bạn nên đưa bé đi bác sĩ nếu da của bé, đặc biệt là ở phần lòng trắng của mắt, bụng hoặc cánh tay hay chân của bé có màu vàng. Bố mẹ cũng nên gọi bác sĩ nếu con có đấu hiệu khó tỉnh dậy, quấy khóc, không muốn ăn hoặc thậm chí tình trạng vàng da nhẹ nhưng kéo dài trong hơn 3 tuần.
Cách trị vàng da ở trẻ sơ sinh
Hầu hết các bé sẽ tự khỏi bệnh nhưng khi cần điều trị, liệu pháp quang trị liệu chính là phương pháp đơn giản, an toàn và hiệu quả nhất cho tới thời điểm này. Bạn cho bé nằm trong nôi, không quấn khăn, che mắt bé lại và chiếu ánh sáng xanh da trời “bili lights”. Ánh sáng cực tím sẽ chuyển hóa dạng bilirubin không kết hợp thấm vào mô não và da chuyển sang dạng bilirubin kết hợp để vận chuyển dễ dàng trong máu và thải ra nước tiểu.
Liệu pháp quang trị liệu thường sẽ hiệu quả, nhưng nếu tình trạng vàng da trở nên nghiêm trọng hoặc nồng độ bilirubin của bé tiếp tục tăng bất kể dù đã được chiếu đèn tích cực, bé cần được đưa vào bộ phận chăm sóc đặc biệt để thay máu. Việc thay máu này sẽ thay thế một lượng máu của em bé có nồng độ bilirubin cao với máu được hiến có nồng độ bilirubin bình thường.
Một điều khác mà bạn có thể tự mình làm để giúp làm giảm tình trạng vàng da là đảm bảo rằng con nhận đủ lượng sữa mẹ hoặc sữa công thức để đi phân thường xuyên hơn, giúp thải bilirubin ra ngoài nhanh hơn. Nếu bạn có bất kỳ lo lắng về tình trạng trẻ sơ sinh bị vàng da, hãy trao đổi với bác sĩ để đảm bảo rằng bạn đang thực hiện các bước đi đúng để giúp con hồng hào trở lại.