Đầy bụng khó tiêu là một trong những biểu hiện của rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Khi bị đầy bụng khó tiêu trẻ thường có các biểu hiện như: khó chịu, khóc, biếng ăn, bỏ ăn, dễ nôn ói, bụng phình trướng hơi hoặc có thể đi tiêu phân lỏng hoặc sền sệt mấy ngày…Điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Nguyên nhân trẻ bị đầy bụng khó tiêu
1, Tiêu chảy
Nguyên nhân là do bé bị mất điện giải nhiều qua phân (điển hình là kali) sẽ gây trướng bụng, dẫn đến chèn ép cơ hoành, gây ói nhiều và mất điện giải, làm cho bụng lại trướng lên hơn. Để điều trị, cần bổ sung điện giải đúng và đầy đủ thì bé sẽ hết bệnh.
2, Trẻ bị đầy bụng khó tiêu có thể do trào ngược dạ dày
Hơi bị tống xuất theo chiều ngược so với bình thường nên bé hay bị trướng bụng, ợ hơi, dễ nôn ói. Cha mẹ nên đưa bé đi khám sớm để bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc, giúp bé tăng cân tốt, phát triển bình thường. Phương pháp điều trị thông thường là để bé nằm đầu hơi cao hơn, nằm nghiêng, tránh hít sặc nếu bé bị nôn, cho bé uống thuốc điều trị triệu chứng.
3, Táo bón
Táo bón gây ứ phân nên vi trùng sẽ sinh hơi trong đại tràng làm bụng bé hay bị trướng. Cần đưa bé đến bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp để tránh nguy hiểm.
4, Do ăn uống không hợp lý
Những bé được cho ăn dặm bột, cháo quá sớm nên tinh bột, glycoprotein không được tiêu hóa tốt trong một hệ tiêu hóa còn non nớt làm sinh ứ hơi nhiều trong ruột, gây trướng bụng, rất khó chịu và hậu quả về lâu dài là bé sẽ chậm tăng cân, hay bị bệnh về đường tiêu hóa.
5, Nhiễm ký sinh trùng đường ruột
Việc bé bị nhiễm kí sinh trùng đường ruột cũng gây bụng căng trướng. Biện pháp phòng ngừa là cần cho bé xổ giun định kỳ 6 tháng/lần.
Cách chữa đầy bụng khó tiêu
1, Giúp bé xì hơi chữa đầy bụng khó tiêu
“Xì hơi” sẽ giúp cho bé bớt khó chịu hơn khi bị đầy bụng. Để giúp bé xì hơi mẹ có thể làm một vài động tác sau:
Cử động chân bé giống như đạp xe có thể giúp bé hết đầy hơi: Đặt bé nằm ngửa sau đó lấy một chân bé kéo ngược lên ngực. Thực hiện thật nhẹ nhàng. Sau đó lại đẩy xuống đồng thời đẩy chân bên kia lên. Cử động này tương tự như khi ta đạp xe đạp. Nó khiến cho bé thích thú mà lại có thể giảm được khí trong bụng. Mẹ nhớ là không thực hiện động tác này khi bé vừa ăn no nhé.
2, Trị hơi bằng củ hành, củ tỏi
Trước tiên bạn nướng một củ hành hoặc tỏi bỏ vào một miếng gạc rồi đặt lên rốn của bé bị đầy bụng (không đặt trực tiếp hành, tỏi lên da bé vì có thể gây bỏng). Một lát bé sẽ xì hơi được và đỡ đầy bụng. Với bé lớn hơn, có thể phi thơm một lát tỏi và nêm vào cháo cho bé.
3, Massage bụng
Massage là cách giảm đầy hơi hiệu quả. Nhẹ nhàng dùng các ngón tay của mẹ xoay tròn theo chiều kim đồng hồ từ rốn ra ngoài bụng của bé. Có thể dùng dầu massage để tay mẹ không bị rít khi chạm vào da của con. Tuy nhiên, không nên massage ngay sau khi bé vừa ăn xong.
4, Chườm nóng
Dùng gói chườm nóng để chườm vùng bụng cho bé. Tận dụng được hơi nóng và sức nặng của gói chườm sẽ giảm được chứng đầy hơi cho bé. Để làm việc này, lấy 2 chiếc khăn tay và làm ấm chúng, không nên quá nóng. Bạn có thể nhúng nước nóng và vắt khô. Kiểm tra độ nóng bằng cách chườm lên tay bạn. Sau đó, gấp một chiếc khăn lại thành gói và đặt lên vùng bụng của bé. Lấy chiếc khăn thứ hai và quấn xung quanh bụng bé để cố định chiếc khăn thứ nhất. Cần cẩn thận quấn không quá chặt, không quá nóng.