Bệnh nhiễm giun sán tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu sắt, thiếu máu…
Ngoài ra, tình trạng sức đề kháng của cơ thể trẻ cũng có thể bị suy giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh khác phát triển hay gây ra tình trạng tắc ruột, tắc ống mật do sự có mặt của giun.
Trẻ em thường hiếu động hay bò chơi lê la trên sàn nhà rồi lại mút tay, nghịch bẩn có khi trẻ đánh rơi thức ăn xuống đất rồi lại nhặt lên ăn, vì thế trẻ rất dễ bị nhiễm các loại giun như giun đũa, giun tóc, giun kim…
Khi bị nhiễm giun, ngoài việc giun cư trú và chiếm các chất dinh dưỡng của cơ thể, giun còn gây nhiều triệu chứng phiền toái cho trẻ. Khi nhiễm giun, trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa, làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, mặt khác, lại còn phải mất thức ăn vì giun nên các bé sẽ chậm lớn, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém vì thế dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn khác.
Những trẻ nhiễm giun đũa thường gầy còm, chậm lớn, thỉnh thoảng kêu đau bụng, ăn không ngon miệng, ngủ không ngon, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, phân lỏng, hay buồn nôn, nôn ra thức ăn, có khi nôn ra cả giun… Trẻ hay bực tức, quấy khóc, tính tình thay đổi, lười vận động… Những trẻ nhiễm giun kim thì hậu môn bị ngứa, nhất là vào ban đêm nên trẻ ngủ không yên, hay nghiến răng và đái dầm.
Đó là chưa kể những biến chứng như giun chui ống mật, tắc ruột và giun đi vào mạch máu, qua gan, phổi; hay ở các bé gái khi giun kim cái ra hậu môn đẻ trứng có thể bò sang bộ phận sinh dục gây viêm nhiễm.
Trẻ bị giun chui vào phổi làm cho bị ho kéo dài, gầy gò, mệt mỏi, có thể lầm với viêm phổi do nguyên nhân khác. Những trường hợp nhiễm giun móc trẻ có thể bị thiếu máu nặng vì mất máu mãn tính do tổn thương niêm mạc ruột làm chảy máu kéo dài, vì thế trẻ nhiễm giun thường biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng và chậm phát triển, thiếu máu… Cũng cần lưu ý rằng rất nhiều người bị nhiễm giun sán giai đoạn đầu, hoặc nhiễm ít, thường không có triệu chứng.
Khi nào nên tẩy giun cho trẻ
Thông thường trẻ từ 2 tuổi trở lên mới nên tẩy giun, tuy nhiên trong những trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng chậm lớn do bị nhiễm giun có thể tẩy sớm hơn, 1 tuổi cũng có thể tẩy giun được nhưng phải có sự tư vấn của bác sĩ và chọn loại thuốc thích hợp.
Các loại thuốc tẩy giun cho trẻ thường được bào chế dưới dạng viên nén, thơm, ngọt, có thể nhai, nghiền trước khi uống hay dạng hỗn dịch, tùy theo lứa tuổi của bé để lựa chọn dạng thuốc cho thích hợp. Có thể uống thuốc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, không cần phải nhịn đói. Tuy nhiên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ là tốt nhất. Hiện nay, ở trường mầm non, các bé cũng được cho uống thuốc một lần trong năm, thường vào đầu năm học, các bậc phụ huynh nên lưu ý cho bé uống nhắc lại sau 6 tháng.
Để tránh tình trạng nhiễm giun cho bé các bà mẹ cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa
Tập cho bé thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Bản thân người lớn cũng phải chú ý việc này, nhất là trước khi chuẩn bị đồ ăn và cho bé ăn; cắt ngắn móng tay, lau dọn nhà cửa sạch sẽ.
Thức ăn cho trẻ phải luôn nấu chín; nước uống phải được đun sôi để nguội. Nếu cho trẻ ăn trái cây hoặc rau sống thì phải rửa nhiều lần dưới vòi nước đang chảy… Đồng thời, không để trẻ nằm, bò trườn dưới đất, không để trẻ mặc quần bị thủng. Quần áo của trẻ bị nhiễm giun cũng phải được phơi ở những nơi nhiều nắng để diệt bớt trứng giun.
Nên cho trẻ uống thuốc tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần. Tất cả mọi người trong gia đình, kể cả người lớn, cũng phải chữa trị giun, sán cùng lúc với trẻ thì bệnh mới hết triệt để. Trẻ đã tẩy giun rồi mà vẫn xanh xao, gầy yếu, kém ăn, thì cần kiểm tra để phát hiện trẻ còn mắc bệnh nào khác hay không để có cách chữa trị phù hợp.