Trẻ con bướng bỉnh khiến không ít lần cha mẹ lúng túng, đau đầu và bị lỡ việc theo kế hoạch. Làm cách nào để trị tính cứng đầu của trẻ là câu hỏi mà hầu như cha mẹ nào cũng thắc mắc.
Những hành động khi trẻ bướng bỉnh
Với mỗi đứa trẻ thường có mỗi cách thể hiện sự bướng bỉnh khác nhau, tuy nhiên chúng có một số điểm chung như sau:
– Nhất quyết làm theo ý mình dù bố mẹ có giải thích hay quát mắng thế nào cũng không nghe.
– Khóc ăn vạ dai và quyết liệt hơn.
– Lì lợm, không nói không rằng, tỏ thái độ chống đối.
– Hành động phản kháng và trả đũa lại người lớn khi bị quát mắng hay không được chiều theo ý.
– Khi được phân tích đúng sai, nhất định không nhận mình sai, tìm đủ mọi lý do để biện chứng cho hành động của mình.
Phụ huynh nên làm gì khi trẻ bướng bỉnh?
– Bản thân bố mẹ phải giữ được bình tĩnh khi con bướng và xác định nguyên nhân con bướng là từ đâu. Lắng nghe các lý lẽ của con, quan sát hành động của con để đưa ra chiều hướng xử lý phù hợp.
– Nếu con khóc lóc và đòi hỏi một cách vô lý, cha mẹ có thể phớt lờ sự đòi hỏi của con, dùng lời nói nhẹ nhàng bảo con nín, từ từ nói bố mẹ nghe xem vì sao con khóc, bé sẽ từ từ nín khóc và bình tĩnh trở lại. Bố mẹ lưu ý, khi nói chuyện với con phải chú ý mắt mình nằm ngang với tầm mắt của con, và yêu cầu con nhìn thẳng vào bố mẹ để nói.
– Con lì lợm vì con bất mãn hay con không đồng ý một việc gì đó, bố mẹ có thể tìm ra điểm mạnh hay sở thích nào đó của con, nhẹ nhàng khéo léo gợi chuyện với con. Những tình huống này tránh hành động phớt lờ con, vì như thế sẽ làm cảm xúc của con trở nên tồi tệ hơn và con sẽ khép kín hơn. Khi cảm xúc tồi tệ của con qua đi, bố mẹ hãy giải thích con hiểu sao cho phù hợp, để lần sau con rơi vào tình huống đấy bé sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.
– Khi con phản kháng hay trả đũa, bố mẹ nên bình tĩnh và cương quyết với con. Đưa con vào kỷ luật như ngồi ghế bé hư, phạt đứng góc một mình hay kỷ luật con không được chơi đồ chơi mình thích trong một thời gian cố định. Ở tình huống này bố mẹ phải kiên quyết, đồng nhất với nhau và phải tìm được sự ủng hộ từ phía ông bà, tránh tình huống “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.
– Quan trọng nhất, hành vi của bố mẹ phải gương mẫu và trung thực.