Rơi nước mắt với câu chuyện cảm động về mẹ

Khi đứa con chập chững bước vào lớp 1 thì người cha qua đời, người mẹ không đi thêm bước nữa mà ở vậy nuôi con. Lúc đấy, thôn chưa có điện, mỗi tối hai mẹ con đều phải thắp đèn dầu để dùng. Cậu bé thì đọc sách, vẽ tranh còn mẹ thì may vá đan áo cho con. Năm qua năm, những tấm bằng khen của cậu bé dần trật kín trên vách tường loang lỗ. Đứa con lớn nhanh như thổi, nhưng người mẹ cũng bắt đầu già đi với những nếp nhăn dần xuất hiện trên khóe mắt.

Khi đứa con vừa vào trung học thì mẹ bị phong thấp nặng. Việc đồng áng không thể kham nổi nữa, có khi cơm ngày hai bữa cũng không đủ ăn. Ngày đấy, học sinh mỗi tháng phải nộp 30kg cho trường. Biết nhà không đủ điều kiện, đứa con đành thủ thỉ với mẹ: “Mẹ ơi con sẽ nghỉ học để giúp mẹ làm ruộng”. Người mẹ mỉm cười và nói: “ Mẹ rất vui khi biết con có lòng thương mẹ, nhưng con cứ lo việc học đi. Còn những việc khác mẹ sẽ tìm cách”. Đứa con ngang bướng cãi lại, mẹ bực mình tát mạnh lên mặt con, đó là lần đầu tiên suốt 16 năm, người mẹ mới đánh con mình.

Cuối cùng đứa con cũng phải cắp sách đến trường. Một vài ngày sau, bà mẹ khấp khễnh bước vào cổng với túi gạo nặng trĩu. Khi mở túi gạo ra xem, người phụ trách bèn to tiếng quát: “Sao bà lại có kiểu ăn bớt như vậy. Bà xem gạo gì mà còn lẫn cả thóc, cỏ, rồi sạn nữa…Ai ăn được đây?” Người mẹ ngượng đỏ mặt, vội nói xin lỗi rồi móc trong túi ra ít tiền lẻ đưa cho người phụ trách: “Đây là tiền phí sinh hoạt của con tôi tháng này làm phiền ông chuyển đến dùm”. Ông đùa nói: “Thế nào bà nhặt được trên đường đó à”, bà mắc cỡ đỏ mặt nói cám ơn rồi quay lưng đi.

Tháng sau, bà lại mang một túi gạo đến. Lần này người phụ bếp mở túi gạo ra rồi thở dài nói: “Bất cứ gạo nào chúng tôi đều nhận nhưng bà làm ơn phân loại gạo ra. Sao trong một túi có đến chục loại gạo khác nhau như thế này. Lần sau còn thế, chúng tôi sẽ không nhận đâu”. Bà hốt hoảng thành khẩn nói: “Thưa ông! Gạo nhà tôi đều như vậy cả, phải làm sao?” Người phụ trách tức giận nói: “Một sào ruộng nhà bà mà có thể trồng được cả trăm giống lúa à? Thật lố bịch”. Bị la như thế bà không dám nói năng gì, lặng lẻ cúi đầu ra về.

Đến tháng thứ ba, bà lại vất vả vác đến một bao gạo, vừa nhìn thấy người phụ trách, mặt bà méo xệch. Ông kiểm tra túi gạo rồi giận dữ quát lớn: “Tôi nói vậy mà bà vẫn cứ như vậy không đổi. Sao mà ngoan cố, thứ gạo tạp nham này, bà xem đi. Lần này mang đến thế nào thì mang về vậy!”.

Nghe xong, bà quỳ xuống trước mặt người phụ trách, vừa khóc vừa nói: “Tôi nói thật với ông, gạo này là… tôi đi xin đấy”, ông giật bắn người, hai mắt tròn xoe nói không nên lời.

Bà ngồi xuống đất để lộ đôi chân biến dạng và sưng húp… Bà nói: “Tôi bị bệnh phong thấp đi lại rất khó, không thể làm ruộng được. Con tôi đòi bỏ học giúp tôi, bị tôi đánh nên trở lại trường học”.

Bà cầu xin người phụ trách xin đừng để lộ chuyện này ra vì sợ cậu con trai biết sẽ xấu hổ. Mỗi ngày, bà đều phải len lén cầm cái bao đi cách thôn 10 cây để xin ăn, rồi đợi khi trời thật tối mới dám quay về. Gạo bà xin được đều cất vào bao rồi đợi đến tháng mang nộp cho trường. Người phụ trách nghe vậy cũng rưng rưng nước mắt: ““Thật là ngừơi mẹ tốt, tôi sẽ báo với hiệu trưởng, để trường miễn học phí cho con bà”. Bà vừa nghe xong hốt hoảng lắc đầu nói: “Đừng…đừng…nếu con tôi mà biết tôi đi xin để nuôi nó đi học sẽ làm nó tổn thương và như thế ảnh hưởng đến sự học của nó. Ông hiểu ý bà nói: “Được rồi, tôi nhớ rồi”. Bà khập khễnh như người què quay lưng đi.

Cuối cùng thầy hiệu trưởng cũng biết chuyện và quyết định miễn học phí cũng như tiền sinh hoạt cho cậu bé. Ngày tốt nghiệp, chiêng trống vang trời, hiệu trưởng đặc biệt chú ý người học sinh có hoàn cảnh khó khăn này và mời cậu ta lên lễ đài. Cậu ta khó chịu nói: “Thi đạt điểm cao có rất nhiều, vì sao bảo em lên lễ đài?”

Sau đó, người phụ trách cầm 3 bao gạo lên lễ đài và bắt đầu kể câu chuyện về người mẹ ngày ngày đi xin ăn để nuôi con lớn khôn. Dưới lễ đài mọi người im bặt, Hiệu trưởng nhìn ba cái bao giọng hùng hồn nói: “Đây là câu chuyện ba cái bao gạo của người mẹ đi xin, trên đời này đem vàng cũng không mua được những hạt gạo này, sau đây tôi sẽ mời người mẹ vĩ đại đó lên lễ đài”.

Đứa con trong lòng nghi nghi, nhìn lại phía sau xem, thấy người phụ trách dìu mẹ từng bước từng bước tiến lên lễ đài. Hai mẹ con nhìn nhau, từ ánh mắt lấp lánh tình yêu thương của người mẹ, vài sợi tóc trắng bay bay trước trán. Đứa con bước đến trước, ôm chầm lấy mẹ và bật khóc, “Mẹ… Mẹ của con…”.

(ST)

Add your thoughts

Your email address will not be published. Required fields are marked *