Người Việt Nam thường rất khiêm tốn khi được nhận lời khen. Thông thường khi được ai đó khen mọi người sẽ trả lời chung chung như “có gì đâu, chuyện đó bình thường mà” hay “em chỉ ăn may thôi, chứ cũng không giỏi đâu”…
Tuy nhiên không phải ai cũng thích nghe những câu trả lời như vậy. Cách bạn đáp lại lời khen cũng là cách để bạn khẳng định giá trị bản thân trước người khác. Sau đây là một số gợi ý trả lời khôn ngoan, vừa khéo léo lại tinh tế khi bạn tiếp nhận lời khen.
Lưu tâm lời khen
Lưu tâm lời khen sẽ giúp bạn định hình được cách trả lời của mình như thế nào. Một là chối đây đẩy lời khen đó hay mạnh dạn đón nhận hoặc lúng túng như gà mắc tóc vì không biết đáp lại như thế nào.
Thực hành
Học bao giờ cũng phải đi đôi với “hành”. Để đáp lại lời khen một cách tự nhiên tốt nhất bạn nên tập trước gương. Sau khi lưu tâm đến lời khen của người khác bạn sẽ lựa chọn cho mình cách trả lời.
Thường một lời cảm ơn chân thành cùng với nụ cười tươi và thân thiện là đủ để đối phương thấy bạn trân trọng lời khen từ phía họ. Bạn cũng nên để ý đến cảm xúc của mình khi giải thích lý do vì sao mình đạt được những thành công như vậy hoặc có thể khen ngược lại họ để tạo bầu không khí thiện cảm.
Tạm ngừng
Đây là điều tạo nên sự khác biệt trong lối ứng xử của một người thông minh. Khi ai đó khen bạn, bạn nên ngừng lại khoảng vài giây trước khi đáp lại. Trong lúc ngừng hãy hít 1 hơi sâu, lấy lại sự bình tĩnh và nhớ những gì mình tập trước gương. Nếu cứ vội vàng đáp luôn, khả năng cao bạn sẽ quay lại lối mòn “khiêm tốn” thường ngay.
Để ý mục đích lời khen
Khi đón nhận lời khen bạn nên thoải mái nhưng cũng cần suy xét mục đích của lời khen đó là gì. Đôi khi họ khen bạn thật lòng nhưng cũng có thể đang mỉa mai, xoi mói bạn. Nếu những lời khen chân thành bạn hãy đáp lại chân thành. Còn ngược lại, hãy mỉm cười cho qua.
Cho nhiều hơn nhận
Khi bạn cho đi, bạn sẽ nhận lại những điều xứng đáng với bạn. Bạn cũng có thể học được nhiều kinh nghiệm thông qua việc bạn quan sát hành vi của người bạn khen đáp lại lời khen của bạn.