Chúng ta thường nói, trẻ con lớn nhanh quá, chỉ một vài ngày đã thấy chúng có sự thay đổi rõ rệt rồi. Đặc biệt là trong 12 tháng đầu tiên. Khoảng thời gian này, bé yêu của bạn sẽ trải qua những mốc phát triển vô cùng thần kỳ.
Nhóc con của mẹ phát triển như thế nào qua từng tháng tuổi??? Con nặng bao nhiêu? Cao bao nhiêu? Thích gì? Đã làm được gì? Hãy cùng tìm hiểu biến đổi 12 tháng đầu đời của trẻ nhé.
1 tháng tuổi: Giao tiếp bằng mắt
Tháng đầu tiên là giai đoạn các bé có thể giao tiếp bằng mắt. Bé có thể khóc để thể hiện mong muốn của mình. Hơn nữa, tháng thứ nhất bé cũng đã phản ứng được với tiếng nói, cười của cha mẹ.
2 tháng tuổi: Biết nhận diện khuôn mặt
Trong tháng này, nhiều bé đã phúng phính và mập mạp hơn. Khi ở tháng thứ 2 bé đã bắt đầu cười và biết nhận diện các khuôn mặt. Bé đã có thể tập trung nhìn vào người thay vì nhìn vào các đồ vật. Bố mẹ có thể sẽ thấy tiếng bé cười và ríu rít để đáp lại các âm thanh. Và hơn thế nữa, ở tháng này, nhiều bé đã có thể thể hiện sự tức giận của mình cho bố mẹ biết rồi đấy.
3 tháng tuổi: Thính giác và thị giác đang được cải thiện
Đây là một cột mốc đáng chú ý trong quá trình phát triển của bé. Ở tháng này, khi bạn cười, bé đã biết mỉm cười đáp lại và nhiều bé đã biết giơ tay lên, dang rộng tay ra và chân liên tục đạp. Bé cũng có thể cười và tạo ra những âm thanh khác để thu hút sự chú ý của bạn.
Bé thích nhìn vào đồ chơi màu sắc rực rỡ vì sự tương phản sắc nét rất dễ nhìn. Những khuôn mặt rất hấp dẫn em bé 3 tháng tuổi, hãy nhìn em bé và bé sẽ nhìn chằm chằm vào đôi mắt của bạn. Bé cũng đã bắt đầu chơi với bàn tay của mình và sờ nắm các đồ vật.
4 tháng tuổi: Biết lẫy
4 tháng là bé của bạn đã biết lẫy rồi đấy! Chỉ trong 4 tháng ngắn ngủi, từ em bé non nớt nằm trong lòng mẹ đã có thể đẩy tay khi nằm úp.
Các kỹ năng xã hội, vận động và ngôn ngữ sẽ phát triển nhanh chóng trong giai đoạn này. Bé sẽ bập bẹ và nhoẻn cười khi nhìn thấy một món đồ chơi, hoặc khóc, hét lên khi bạn lấy nó đi hay khi bạn la bé.
5 tháng tuổi: Di chuyển đồ vật từ tay này sang tay khác
Biến đổi của bé trong tháng thứ 5 là có thể chuyển đồ vật, đảo từ tay này qua tay khác. Rất nhiều bé biết thổi bong bóng bằng miệng, biết khóc khi cha mẹ rời khỏi tầm mắt.
6 tháng tuổi: Lật, lẫy thuần thục
Ở tháng thứ 6, thao tác lật của bé đã rất thuần thục và bé đã có thể lật qua 2 bên. Bé đã có thể cào để với lấy những đồ vật nhỏ và biết bi bô, bập bẹ hay thậm chí là thét lên.
7 tháng tuổi: Bắt đầu trườn, bò
Trong tháng này, bé bắt đầu trườn, bò và học cách sử dụng các ngón tay của mình. Giai đoạn này bé có thể bắt chước âm thanh của cha mẹ. Đôi khi là thể hiện sự tức giận và khó chịu một cách mạnh mẽ.
8 tháng tuổi: Ngồi vững
Chỉ 8 tháng thôi, bé đã có thể ngồi vững mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào. Hơn nữa, bé còn biết phản ứng khi bạn gọi tên, biết “lạ”’ với nhiều người.
9 tháng tuổi: Biết bò
Con cố gắng để bò và leo cầu thang. Con đã có thể bắt chước những cử chỉ của người lớn và thích chơi với cha mẹ.
10 tháng tuổi: Học đứng lên
Bé cố gắng học cách đứng lên. Con của bạn đã bắt đầu tự tin hơn, biết phản ứng lại tiếng vỗ tay và ở tháng tuổi này con đã biết biểu hiện tất cả các cảm xúc như vui, buồn và giận dữ.
11 tháng tuổi: Bi bô những từ đầu tiên
Giai đoạn này bé sẽ gây nhiều bất ngờ cho cả nhà khi bé bi bô nói những từ đầu tiên như bố, mẹ, bà, cá. Nhiều bé sẽ có những phản ứng rất mạnh như không hợp tác khi ăn uống, không cho bạn đọc sách hay thích giờ tắm kéo dài hơn…
12 tháng tuổi: Chập chững bước đi
Lúc này con yêu của bạn đã phát triển khá hoàn chỉnh các kỹ năng cơ bản. Đối với bậc làm cha làm mẹ, không còn gì hạnh phúc hơn khi thấy con có thể đứng vững trên đôi chân của mình. 12 tháng chăm sóc bằng cả tình yêu để vỡ òa trong cảm xúc khi con đứng vững và có thể bắt đầu những bước đi đầu tiên trong cuộc đời. Ở tháng này, bé đã cầm nắm đồ vật tương đối thuần thục. Con sẽ cố gắng nói rõ ràng và tập nói từ dài hơn.
Sự phát triển 12 tháng đầu đời của trẻ có biết bao nhiêu điều diệu kỳ. Con thay đổi, khôn lớn từng ngày chính là niềm hạnh phúc vô bờ của cha mẹ. Cùng với việc hoàn thiện dần các kỹ năng cơ bản, trọng lượng của bé sẽ tăng gấp 3 lần so với lúc mới sinh. Bố mẹ cần theo dõi sự tăng trưởng và phát triển của con mình theo các mốc. Nhưng cũng nên nhớ rằng, mỗi bé sẽ có một sự phát triển khác nhau và vì thế đừng quá lo lắng nếu thấy sự phát triển của bé khác với các mốc phát triển theo từng tháng nêu trên. Vì điều đó là hoàn toàn bình thường nên bố mẹ cũng đừng quá hoang mang và so sánh sự phát triển của con mình với con người khác để tránh bị áp lực nhé.