Vào thời ấy, giặc Minh đặt ách đô hộ của nước ta, chúng coi dân ta như cỏ rác và áp đặt những chính sách bạo ngược làm cho thiên hạ vô cùng khổ cực. Bấy giờ, các nghĩa quân ở vùng Lam Sơn tuy sức mạnh còn yếu nhưng với lòng yêu nước đã tập hợp nổi dậy đẻ chống lại chúng.
Hồi ấy, ở Thanh Hóa có một người đánh cá tên là Lê Thận. Một đêm nọ, Thận thả lưới ở một khúc sông vắng, tự nhiên lúc kéo lưới lên thấy nằng nặng. Bụng bảo dạ: “Chắc hẳn là một con cá to đây!”. Lúc thò tay vào lưới, Thân mới biết đó chỉ là một thanh sắt, chàng vứt luôn xuống dưới nước rồi lại thả lưới ở một chỗ khác. Lần thứ hai cất lưới lên, chàng thấy nặng tay, Thận không ngờ thanh sắt vừa nãy lại chui vào lưới mình. Chàng lại cầm lên và ném xuống sông. Lần thứ ba, lại là thanh sắt ấy, một lần nữa mắc vào lưới của chàng. Lấy làm lạ, Thận ké mùi lửa để nhìn kĩ thanh sắt hơn. Bỗng chàng reo lên một tiếng:
– A ha! Hóa ra là một lưỡi gươm!
Ít hôm sau, Thận xin gia nhập đoàn quân khởi nghĩa Lam Sơn, chàng đã mấy lần vào sinh ra tử ở ngoài trận mạc để diệt lũ cướp nước.
Một hôm, chủ tướng Lê Lợi cùng mấy tùy tùng đến nhà Thận. Trong gian nhà tối om, đột nhiên Lê Lợi thấy có một tia sáng lóe lên ở góc nhà. Lấy làm lạ, Lê Lợi tiến tới gần, thấy thanh sắt, chàng liền cầm lên xem thử thì nhận ra đó là một lưỡi gươm. Trên lưỡi gươm ấy có khắc hai chữ “Thuận thiên”. Nhưng mọi người lại không hề biết đó là lưỡi gươm thần.
Một hôm trong lúc xung trận với quân giặc, Lê Lợi và các tướng bị dồn vào thế bí, bèn tách đội hình để đánh lạc hướng, mỗi người chạy một ngả để thoát thân. Khi đi qua một khu rừng, Lê Lợi thấy trên ngọn cây đa lóe lên một ánh sáng kì lạ. Chàng trèo lên mới biết đó là một chuôi gươm có nạm ngọc sáng. Lê Lợi liền liên tưởng tới lưỡi gươm ở nhà của Lê Thận và chàng liền cất chuôi gươm vào thắt lưng và tìm đường trở về doanh trại.
Hôm sau, Lê Lợi tập hợp đông đủ nghĩa quân lại, trong đó có Lê Thận. Lê Lợi kể lại câu chuyện lấy được chuôi gươm ở ngọn đa với lưỡi gươm có khắc chữ “Thuận thiên” ở nhà Lê Thận. Khi Lê Thận thử tra lưỡi gươm vào chuôi gươm thì quả nhiên, chúng vừa vặn khớp với nhau. Mọi người thấy vậy, vui mừng khôn siết, còn Lê Thận thì nâng thanh gươm lên ngang đầu và nói:
– Đây chắc chắn là những vị thần đã giao trọng trách cho “minh công” làm nghiệp lớn, giành lại non sông gấm vóc mà quân giặc đã cướp của nhân dân ta. Chúng tôi nguyện đem hết sức mình cũng như tính mạng để theo “minh công” cùng với thanh gươm báu đánh đuổi quân giặc, khôi phục giang sơn.
Kể từ khi có thanh gươm báu phò trợ, khí thế nghĩa quân ngày một lớn, ai ai cũng một lòng cùng nhau đánh đuổi quân giặc. Trong tay có thanh gươm thần, nghĩa quân của Lê Lợi đã nhiều lần cho quân giặc phải kinh hồn bạt vía trong rất nhiều trận đấu. Tiếng tăm của quân khởi nghĩa Lam Sơn ngày một tăng. Giờ đây, họ chuyển từ thế bị động sang chủ động, không còn trốn chạy quân giặc nữa mà là tìm giặc mà đánh. Qua nhiều trận thắng lớn, nghĩa quân của Lê Lợi đã chiếm lại được rất nhiều vùng đất, thu được rất nhiều kho lương thực của giặc.
Cùng với tài mưu lược của Lê Lợi và chiếc gươm thần, nghĩa quân Lam Sơn đại thắng, quân giặc phải đầu hàng và tháo chạy về nước. Lê Lợi lên ngôi vua, giang sơn đã về một mối, thiên hạ thái bình, nhân dân được ấm no.
Vào một ngày đẹp trời, Lê Lợi cùng các quan đại thần dạo thuyền rồng trên hồ Tả Vọng. Long Vương sai rùa vàng đến gặp Lê Lợi để đòi lại gươm thần. Vừa hay, khi thuyền rồng vừa chèo ra giữa hồ, thì bỗng từ xa có một con rùa to lớn tiến lại gần mạn thuyền. Cùng lúc đó, thanh gươm thần trên người nhà Vua bỗng động đậy. Rùa nhô cao đầu lên mặt nước và cất tiếng nói:
– Xin Bệ hạ hoàn trả gươm báu cho Long Vương!
Nghe rùa thần nói vậy, Nhà vua hiểu ra. Ngài rút thanh gươm ra khỏi bao. Thanh gươm thần tự rời tay vua bay đến phía rùa vàng. Rùa vàng nhanh như cắt há miệng, ngậm lấy thanh gươm và cùng nó lặn xuống làn nước trong xanh. Mọi người vẫn thấy, dưới hồ sâu lóe lên một vệt sáng le lói, vệt sáng đó như được tỏa ra từ ánh sáng của thanh gươm thần.
Kể từ đó, hồ Tả Vọng được đổi tên thành Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm.